Cách kiểm tra tốc độ Internet cực đơn giản có thể bạn chưa biết

Lần cập nhật gần nhất: 18/10/2024

Truy cập vào mạng internet là việc làm hàng ngày của rất nhiều người hiện nay, chính vì nhu cầu sử dụng của con người rất lớn cho nên có nhiều nhà cung cấp dịch vụ internet ra đời với nhiều gói cước khác nhau được triển khai.

Sau khi đăng ký một gói cước của một nhà cung cấp mạng thì trong quá trình sử dụng, người dùng nên kiểm tra tốc độ mạng Internet thường xuyên. Đây là việc làm quan trọng và cần thiết vì nó giúp cho bạn biết được đường truyền mạng mà mình đang dùng có tốc độ đúng với cam kết của nhà cung cấp hay không.

»» Đổi mật khẩu wifi Viettel

Cách kiểm tra tốc độ Internet cực đơn giản có thể bạn chưa biết 1

I. Tại sao nên kiểm tra tốc độ mạng internet thường xuyên?

Có nhiều trường hợp sau khi đăng ký lắp đặt mạng internet trong khoảng thời gian đầu thì tốc độ truy cập mạng rất nhanh, tuy nhiên càng về sau thì mạng internet chậm, mạng chập chờn lúc có lúc không mà không rõ nguyên nhân tại sao. Nếu như chỉ truy cập các trang web bình thường thì người dùng sẽ không thể xác định được có phải do lỗi đường truyền hay không mà cần phải có phương pháp kiểm tra cụ thể, chi tiết.

Sau khi kiểm tra nếu như thấy tốc độ sử dụng thực tế đúng với tốc độ ghi trên hợp đồng mạng thì bạn có thể hoàn toàn yên tâm sử dụng dịch vụ. Tuy nhiên nếu thấy tốc độ thực tế chậm hơn nhiều thì bạn cần phải liên hệ với nhà cung cấp mạng để đảm bảo quyền lợi của mình.

Kết quả đo tốc độ mạng không chỉ giúp cho bạn biết được chất lượng của đường truyền mạng có tương ứng với số tiền mà bạn bỏ ra hàng tháng hay không mà còn là dữ liệu để bạn tham khảo khi có nhu cầu tìm một nhà cung cấp mạng khác; giúp bạn kiểm tra mức độ phủ sóng cho toàn bộ ngôi nhà; biết được khung giờ cao điểm và thấp điểm trong một ngày,… Từ đó thì bạn có thể sử dụng internet một cách hiệu quả hơn.

1. Các thông số quyết định tốc độ mạng internet

Hiện nay một đường truyền mạng được đánh giá là có tốc độ nhanh hay chậm phụ thuộc vào 3 thông số đó là ping, tốc độ download và tốc độ upload.

  • Ping là thời gian để 2 máy tính có thể kết nối với nhau. Như các bạn đã biết bản chất của mạng internet đó là sự kết nối của các máy tính trên toàn cầu cho nên thông số ping rất quan trọng. Đơn vị của ping là miligiay(ms). Ở Việt Nam nếu thông số ping dưới 50ms thì sẽ được đánh giá là tốt còn ở nước ngoài là <150ms.
  • Tốc độ Download là tốc độ tải dữ liệu ở trên mạng về máy tính của bạn, đơn vị được tính bằng MBps (Megabyte) (chú ý MBps khác với Mbps), nếu tốc độ download mạng của nhà bạn mà trên 2MBps thì được coi là ổn.
  • Tốc độ upload là tốc độ đưa các file dữ liệu có trong máy tính lên mạng. Trước đây khi còn là cáp đồng ADSL thì tốc độ Upload bao giờ cũng thấp hơn tốc độ Download, nhưng giờ đây hầu hết các mạng đều là cáp quang nên tốc độ Download = Upload. Đơn vị của tốc độ upload cũng được tính bằng MBps (Megabyte), thường thì tốc độ Upload tầm 1MBps là được.

2. Tốc độ internet bao nhiêu là phù hợp?

  • Tốc độ tải 1-4 Mbps là tốc độ thấp nhất cho các kết nối internet và chỉ có ở đường truyền cáp đồng. Với tốc độ kết nối này thì bạn chỉ có thể duyệt web, nghe nhạc, check mail,…
  • Tốc độ tải 4-6 Mbps cho phép duyệt web, chia sẻ tập tin nhỏ và email cơ bản nhưng rất khó để chơi game trực tuyến hoặc phát streaming video chất lượng HD.
  • Tốc độ tải 6-15 Mbps là tốc độ kết nối trung bình tốt cho các thuê bao gia đình. Bạn có thể xem phim trực tuyến, chơi game online, tuy nhiên chỉ nên kết nối với một thiết bị tại một thời điểm mà thôi.
  • Tốc độ tải 15-30 Mbps phổ biến trên đường truyền cáp quang tại Việt Nam và được nhiều người đăng ký. Ở tốc độ này các thuê bao có thể lướt web nhanh chóng, download/upload các tập tin nhanh hơn,…
  • Tốc độ tải 30-50 Mbps mang đến những trải nghiệm tuyệt vời khi kết nối internet, cho phép bạn hoạt động trên nhiều thiết bị cùng lúc mà không gặp phải sự cố về mạng.
  • Tốc độ tải 50+ Mbps không có nhiều người sử dụng vì thường nhu cầu hàng ngày của họ không cần đến tốc độ cao như vậy. Hiện tại những đối tượng khách hàng cần dùng tới tốc độ 50+ Mbps thường là doanh nghiệp, tổ chức, công ty, hội nghị truyền hình, thu thập dữ liệu theo thời gian thực mà thôi.

II. Hướng dẫn cách kiểm tra tốc độ mạng bằng Speedtest.net

Speedtest.net là trang web giúp người sử dụng internet kiểm tra tốc độ mạng trên thiết bị đang sử dụng một cách nhanh chóng, cho kết quả chính xác về tốc độ tải lên, tốc độ tải về cùng với thông số ping là bao nhiêu. Từ đó người dùng có thể biết được tốc độ mạng sử dụng thực tế có trùng khớp với cam kết của nhà cung cấp mạng hay không để có phương án xử lý kịp thời trong từng tình huống.

1. Những ưu điểm khi kiểm tra tốc độ internet qua Speedtest.net

Không chỉ cho ra kết quả kiểm tra tốc độ internet một cách chính xác mà Speedtest.net còn sở hữu nhiều ưu điểm vượt trội. Có thể kể đến như là:

  • Hoàn toàn miễn phí: Bất cứ người dùng internet nào cũng có thể truy cập vào trang web này để xem tốc độ mạng internet của mình.
  • Dễ sử dụng: Trang web có giao diện đơn giản, giúp cho người dùng có thể dễ dàng kiểm tra tốc độ mạng.
  • Có khả năng kiểm tra tốc độ đường truyền internet đến từ các nhà cung cấp mạng khác nhau.
  • Tốc độ kiểm tra cực nhanh và hiển thị đầy đủ cả thông tin upload, download dữ liệu và chỉ số ping.
  • Kết quả test tốc độ mạng được hiển thị trực quan, dễ nhìn.
  • Tự nhận diện được máy chủ cùng với vị trí địa lí.

2. Cách kiểm tra tốc độ mạng bằng Speedtest.net

Bước 1: Bạn truy cập vào địa chỉ http://www.speedtest.net Sau khi giao diện chính của trang web hiện lên thì các bạn click vào nút Go để bắt đầu thực hiện quá trình kiểm tra tốc độ mạng.

đô tốc độ mạng

***Chú ý: Trong suốt quá trình thực hiện đo tốc độ kết nối bạn cần phải đảm bảo không có chương trình nào trên máy đang tiến hành download hoặc là có máy tính nào ở trong mạng nội bộ sử dụng đường truyền internet, như vậy thì kết quả đo mới được hiển thị chính xác nhất.

So sánh kết quả kiểm tra tốc độ internet

Như hình thứ 2 phía trên, bạn đang sử dụng mạng internet của nhà mạng VDC có địa chỉ IP là 14.188.35.97 và đang kiểm tra tốc độ mạng tới Server của FPT Telecom, kết quả trả về PING là 40ms, Download 15.46Mbps/Upload 15.84Mbps (tốc độ Ping như vậy là hơi cao khi đây là Server trong nước)

Dựa vào tốc độ Download thì bạn hãy đối chiếu với tốc độ gói cước bạn đăng ký với mạng. Trong trường hợp tốc độ Download vừa kiểm tra được trên Speedtest mà có sự chênh lệch thì bạn cũng đừng lo lắng quá mà hãy tiến hành kiểm tra lại như sau:

  • Thời gian đo tốc độ sử dụng mạng internet trên SpeedTest: Bạn nên tiến hành kiểm tra từ 22h trở đi vì số lượng người dùng tại thời điểm này sẽ ít hơn nên sẽ cho kết quả chính xác hơn.
  • Khoảng cách từ máy tính tới Server: Nếu như khoảng cách càng xa thì tốc độ sẽ càng bị giảm so với tốc độ tối đa của gói cước mà bạn đăng ký.
  • Thông thường các gói cước chỉ được các nhà mạng cam kết tốc độ Down/UP tối đa, chứ không nhà mạng nào trên thế giới cam kết tốc độ 100% lúc nào cũng đạt được như vậy (trừ khi bạn sử dụng đường truyền kênh riêng Leased Line). Do đó, tốc độ trả về qua Speedtest không chênh lệch quá nhiều so với gói cước đăng ký là có thể chấp nhận được

Nếu bạn test tốc độ mạng internet lại nhiều lần mà các thông số trả về như Ping, Download, Upload đều thấp hơn nhiều so với gói cước đăng ký với nhà mạng thì đường truyền mạng internet nhà bạn đang gặp vấn đề chậm, chập chờn. Rất có thể đường truyền internet từ nhà cung cấp dịch vụ tới nhà bạn đang gặp vấn đề, tuy nhiên còn có rất nhiều nguyên nhân khác nữa. Hãy theo dõi tiếp bài viết để có câu trả lời mà bạn cần nhé !

III. Những sai lầm nhiều người hay mắc phải

1. Chỉ kiểm tra một lần duy nhất

Tốc độ mạng internet, đặc biệt là mạng không dây thường không được ổn định. Cho nên trong cùng một điều kiện nếu bạn thực hiện việc kiểm tra ít nhất hai lần thì kết quả của hai lần đấy có thể khác nhau. Nếu như thấy không trùng khớp thì bạn nên kiểm tra thêm một lần nữa rồi lấy kết quả trung bình của cả 3 lần kiểm tra, như vậy thì bạn sẽ có một cái nhìn chính xác hơn về tốc độ mạng internet sử dụng thực tế.

2. Kiểm tra tốc độ vào giờ cao điểm

Số lượng người sử dụng đồng thời kết nối vào một đường truyền internet là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả kiểm tra tốc độ truy cập mạng. Do đó, vào những khung giờ cao điểm thì kết nối của bạn đương nhiên sẽ bị chậm hơn so với bình thường.

Chính vì thế, nếu như bạn muốn kiểm tra tốc độ của đường truyền internet nhà mình thì không nên đo vào giờ cao điểm, còn nếu muốn đánh giá tính ổn định thì hãy chạy công cụ đo ở cả hai khung giờ cao điểm và thấp điểm rồi so sánh sự chênh lệch giữa hai kết quả thu được.

3. Chọn sai vị trí kiểm tra

Ở những vị trí kiểm tra khác nhau thì kết quả thu được sẽ khác nhau, do đó nếu như bạn chọn sai vị trí thì sẽ thu được kết quả không chính xác. Vậy vị trí nào là thích hợp nhất để bạn đo tốc độ internet? Câu trả lời là phụ thuộc vào nhu cầu kiểm tra của bạn đấy.

Trong trường hợp bạn chỉ muốn đo tốc độ của wifi nhà mình thì hãy tiến hành kiểm tra ở nơi thông thoáng và gần với router nhất. Điều này có nghĩa là bạn hãy vào căn phòng đặt router wifi và chọn các vị trí thông thoáng nhất có thể rồi tiến hành đo tốc độ bình thường.

Nếu bạn muốn chọn được vị trí tốt nhất trong ngôi nhà của mình để đặt router thì hãy kiểm tra tốc độ ở mọi căn phòng rồi so sánh các kết quả với nhau. Việc làm này sẽ giúp bạn biết được vị trí nào có tín hiệu kém nhất.

4. Kiểm tra khi có thiết bị khác đang download

Với một đường truyền mạng không dây thường có rất nhiều thiết bị kết nối, có thể trong cùng một thời điểm hoặc khác thời điểm và băng thông sẽ được phân chia để đáp ứng nhu cầu sử dụng của những thiết bị này. Có một quy luật tất yếu đó là nếu càng nhiều thiết bị kết nối thì tốc độ mạng sẽ càng chậm.

Trong khi một bài kiểm tra tốc độ wifi chỉ có thể đo được tốc độ trên chính thiết bị bạn đang sử dụng. Do đó, nếu như bạn đang có nhu kiểm tra mạng internet và muốn thu được kết quả chính xác nhất thì hãy ngắt tất cả các kết nối không liên quan. Nếu không thì bạn cũng phải đảm bảo rằng không có bất cứ thiết bị nào đang download hoặc upload dữ liệu có dung lượng lớn.

5. Không khởi động lại máy tính

Bạn có thể tiến hành kiểm tra tốc độ wifi trên các thiết bị khác nhau, tuy nhiên, cho dù bạn có sử dụng thiết bị nào đi chăng nữa thì cũng nên khởi động lại trước khi kiểm tra. Nguyên nhân là vì nếu như các thiết bị không được khởi động lại trong một thời gian dài thì có nhiều khả năng sẽ có các ứng dụng chạy nền khiến cho tốc độ truy cập mạng bị giảm đi.

Bạn chỉ cần khởi động lại thiết bị và tuyệt đối không khởi chạy bất kỳ một ứng dụng nào trước khi đo tốc độ internet. Thậm chí bạn cũng có thể tạm dừng chạy phần mềm diệt virus cho đến khi có kết quả.

6. Chọn sai công cụ đo tốc độ internet

Hiện nay có rất nhiều ứng dụng, trang web giúp bạn đo tốc độ truy cập mạng internet. Tuy nhiên vấn đề được đặt ra ở đây là nên sử dụng công cụ nào để thu được kết quả chính xác nhất? Có một số nhà cung cấp mạng có triển khai dịch vụ test của riêng họ, nếu như nhà cung cấp của bạn có dịch vụ này thì hãy ưu tiên sử dụng nhé.

Ngoài ra bạn cũng có thể sử dụng những phương pháp đo tốc độ mạng mà chúng tôi chia sẻ ở trên vì chúng đều rất dễ sử dụng, cho kết quả nhanh và chính xác với đầy đủ thông số cần thiết để bạn có thể đánh giá được tốc độ mạng internet nhà mình.

7. Đo tốc độ mạng khi đang sử dụng VPN

Đây là điều mà khá nhiều người không chú ý tới khi đo tốc độ mạng internet, tuy nhiên, nó lại có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng khi không cho kết quả chính xác. Vì vậy bạn cần phải chắc chắn mình không sử dụng ứng dụng VPN hoặc bất kỳ thứ gì khác nằm ở giữa máy tính và kết nối internet.

Tuy nhiên nếu như bạn đang dùng thử một dịch vụ VPN và muốn xem tốc độ của nó là bao nhiêu thì vẫn có thể tiến hành đo tốc độ khi vẫn đang kết nối VPN.

Trên đây chúng tôi đã chia sẻ những nguyên nhân khiến cho người sử dụng internet cần phải tiến hành đo tốc độ mạng thường xuyên cũng như những công cụ kiểm tra tốc độ mạng Internet giúp bạn thực hiện điều này một cách hiệu quả. Từ kết quả đo thực tế sẽ giúp bạn chẩn đoán được những vấn đề mà hệ thống Internet của mình đang gặp phải. Nếu chẳng may đường truyền xảy ra sự cố thì bạn có thể áp dụng những phương pháp mà chúng tôi đề cập ở trên hoặc là gọi điện tới tổng đài chăm sóc khách hàng của nhà cung cấp mạng để nhận được sự trợ giúp của các nhân viên kỹ thuật chuyên nghiệp.

5/5 - (6 bình chọn)
Combo internet va truyen hinh Viettel
Home wifi Viettel
Lap internet Viettel mien phi camera an ninh